Nói lời cảm ơn sau khi bị từ chối

Bạn đã từng tham dự những buổi phỏng vấn hết sức gây go và khi tưởng chừng như công việc đã gần trong tầm tay thì lại nhận được thư từ chối từ bộ phận tuyển dụng? Chắc hẳn nhiều người sẽ cảm thấy rất thất vọng, hụt hẫng, thậm chí là có cảm giác … giận vô cùng!

Nhưng có bao giờ bạn tạm gác qua những cảm xúc lẫn lộn của bản thân để một lần thử cảm ơn vì công ty đã thông báo việc từ chối nhận bạn vào làm?

Nghe chừng như vô lý quá, nhưng hãy thử suy xét một vài lý do sau để hiểu hơn vì sao bạn nên gửi lời cảm ơn đến bộ phận tuyển dụng sau khi phỏng vấn thất bại nhé.

Đó có thể là cơ hội trong tương lai của bạn

Trước hết, hãy chấp nhận thực tế là bạn không có được công việc như mong đợi. Việc nuốt trôi cảm giác thất bại thật không dễ dàng gì và những gì bạn muốn làm là hét thật to, giải toả nỗi bực dọc với người đã phỏng vấn bạn vì quyết định của họ. Thế nhưng, hãy tìm đến những người bạn thân để giải bày tâm sự!

Còn với công ty đã từ chối mình, hãy gửi một email ngắn gọn để hồi đáp lại việc thông báo kết quả phỏng vấn. Vì một lý do nào đó mà bạn chưa thành công trong lần phỏng vấn này nhưng lời cảm ơn của bạn sẽ gây ấn tượng mạnh mẽ về sự chuyên nghiệp và nghiêm túc trong nghề nghiệp của bạn với nhà tuyển dụng. Và chắc bạn không ngờ tới, nhưng thái độ của bạn thông qua việc cảm ơn được đánh giá rất cao và hồ sơ của bạn sẽ có thể được âm thầm chuyển sang những vị trí khác phù hợp hơn trong mạng lưới hoặc các mối quan hệ quen biết của người tuyển dụng. Bạn đã nhìn thấy cơ hội của mình qua một việc rất nhỏ chưa?

Thế phải nói cảm ơn về điều gì?

Bạn không cần phải giả vờ hồ hởi, tươi vui khi viết email cảm ơn vì sự thật hiển nhiên là bạn chưa thành công trong vị trí vừa phỏng vấn. Việc viết email với giọng văn quá tích cực lại khiến người nhận cảm thấy bạn chỉ đang cố gắng quá sức mà thôi. Hãy tỏ ra bình thường và gửi lời cảm ơn về những điều thực tế nhất như cảm ơn vì người tuyển dụng đã bỏ thời gian để phỏng vấn bạn, cảm ơn vì bạn đã có cơ hội được ghé thăm công ty và có thêm những thông tin thú vị xuyên suốt buổi phỏng vấn và cảm ơn vì bạn đã được thông báo kết quả đúng thời hạn để bạn không phải mất thời gian chờ đợi thêm và có thể tiếp tục tìm kiếm những cơ hội khác.

Và nếu bạn muốn giải toả thắc mắc vì sao mình chưa thành công cho vị trí vừa ứng tuyển, hãy nhân cơ hội này để đặt ra câu hỏi với bộ phận tuyển dụng. Bạn hoàn toàn có thể chủ động tìm hiểu xem “Có điều gì còn thiếu sót trong kinh nghiệm làm việc của tôi hoặc đâu là những điểm mà tôi chưa phù hợp cho vị trí ABC?” thông qua việc xin ý kiến từ công ty bạn đã tham dự phỏng vấn. Điều này vừa giúp cho bạn thôi băn khoăn vì sao bạn chưa trúng tuyển, đồng thời cũng cung cấp cho bạn góc nhìn khách quan từ vị trí nhà tuyển dụng để giúp bạn cải thiện thêm những kỹ năng và kinh nghiệm của mình trong tương lai.

Giữ liên lạc với nhà tuyển dụng

Việc bạn chưa thành công trong lần ứng tuyển này không có nghĩa là bạn sẽ không còn một cơ hội nào khác để tham gia công ty mà bạn yêu thích. Có rất nhiều lý do cả chủ quan lẫn khách quan để nhà tuyển dụng đưa ra quyết định sau cùng nhưng sẽ hoàn toàn không thừa nếu bạn tỏ thành ý giữ kết nối với họ bằng một câu nói đơn giản như “Hy vọng những kinh nghiệm và kỹ năng của tôi sẽ phù hợp với các vị trí khác trong thời gian sắp tới”. Theo chia sẻ của nhiều nhà tuyển dụng, việc chủ động bày tỏ lời đề nghị này từ ứng viên mang lại ấn tượng mạnh mẽ khiến họ nhớ đến những ứng viên này nhanh nhất khi phát sinh nhu cầu tuyển dụng mới có liên quan. Thậm chí, trong nhiều trường hợp, khi ứng viên xuất sắc hơn từ chối nhận việc vào phút cuối, nhà tuyển dụng ngay lập tức liên lạc lại với bạn để trao cho bạn cơ hội việc làm bạn vừa bỏ lỡ. Không phải vì không còn phương án nhân sự nào cho công ty đâu, chỉ vì nhà tuyển dụng thật sự đánh giá cao thái độ chuyên nghiệp và việc thể hiện bản thân đúng mực của bạn trong mọi trường hợp.

Hành trình đi tìm một công việc mơ ước có thể trải qua rất nhiều chặng đường, cả thuận lợi lẫn chông gai nhưng dù trong hoàn cảnh nào, CareerBuilder cũng xin chúc bạn luôn có cách cư xử đúng mực nhất để giữ được hình ảnh đẹp của bản thân trong mọi tình huống và hãy biết nói lời cảm ơn đến công ty “vì đã nói câu từ chối’.

Bài viết liên quan: Bài học rút ra sau những lần phỏng vấn tiếng anh

Call Now