Vì đâu người Philippines luôn mặc cảm thấp kém và có nỗi ám ảnh đến tuyệt vọng với làn da trắng?

Sự phân biệt màu da đã làm cho người Philippines cảm thấy màu da vốn có của mình thể hiện sự thấp hèn.

Ở Philippines, việc sở hữu một làn da trắng sẽ mang đến cho bạn nhiều lợi thế không thể kể xiết. Bạn sẽ được người người ngưỡng mộ, một số người ghen tị với bạn, và đồng thời bạn cũng nhận được những ưu tiên mà người có tông da nâu hằng ao ước.

Mặc dù hầu hết những người Philippines được sinh ra đã có làn da nâu nhưng xã hội này dạy họ không được tự hào về điều đó. Những ảnh hưởng này đã vô tình hình thành nên một quan niệm: Da trắng đồng nghĩa với cái đẹp.

Chẳng hạn như những ngôi sao điện ảnh nổi tiếng ở Philippines đa phần là con lai hoặc sử dụng những dịch vụ tẩy trắng da đắt đỏ để thay đổi màu da. Thêm vào đó hình ảnh của Jesus, Chúa Hài Đồng và Đức Mẹ Maria mà họ đi lễ mỗi hôm Chủ Nhật cũng trông giống như người da trắng.

Không cần phải bàn cãi, người Philippines tôn sùng những người có làn da trắng sữa theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng.

Nhưng về mặt lịch sử mà nói, bằng cách nào họ có thể kết thúc sự nhận thức lệch lạc này về cái đẹp? Đây có phải là dấu vết của tâm lý thuộc địa hay nỗi mặc cảm thấp kém do thực dân Tây Ban Nha mang đến?

Từ “lợi thế của da trắng” đến “hiện tượng da màu đồng”

Philippines không phải quốc gia châu Á duy nhất bị ám ảnh với việc có làn da đẹp. Chỉ riêng ở Trung Quốc, việc tẩy trắng da đã được thực hiện từ thời cổ đại.

Trước thời nhà Tần (201-206 TCN) làn da trắng đã gắn liền với sự giàu sang, trong khi đó những người không sở hữu điều này, những người lao động làm việc dưới ánh mặt trời sẽ bị phân biệt đối xử, thậm chí họ còn bị gắn mác là “người đầu đen”.

Người Trung Quốc cổ đại cũng coi làn da trắng là biểu tượng của sự thanh lịch và quý phái. Họ đã dùng “ngọc bích trắng” như một phép ẩn dụ để mô tả làn da đẹp, đồng thời cũng sáng tác một câu nói vẫn được phổ biến cho đến ngày nay: “Một sắc trắng có thể che giấu ba thứ xấu”.

Sự phân biệt màu da ăn sâu vào văn hóa phương Tây trong suốt thế kỷ XVII và thế kỷ XVIII. Vì sự vượt trội của làn da trắng so với với tông da tối của nô lệ trở nên thịnh hành nên một số quý tộc còn đánh phấn oxit chì lên mặt chỉ để làm cho họ khác biệt với quần chúng lao động.

Tại thời điểm đó, họ cũng bắt đầu sử dụng từ “máu xanh” để ám chỉ bộ phận những quý tộc có làn da trắng đến nỗi có thể nhìn thấy rõ mạch máu xanh dưới da.

Trớ trêu thay, làn da trắng bắt đầu trở nên “thấp kém” hơn sắc da màu đồng vào đầu thế kỷ XX. Những người phương Tây đánh giá cao làn da nhạt màu giờ đây phải đối mặt với một bước ngoặt lớn: Làn da rám nắng là biểu tượng của sự giàu có, làm phát sinh “hiện tượng da màu đồng”.

Họ tin rằng những người có làn da rám nắng có thể đủ khả năng để chi trả cho những chuyến du lịch đắt tiền đến những đất nước xa xôi và thực hiện sở thích thích tắm nắng.

Trong khi giá trị của làn da nhạt màu đã dần giảm đi ở các nước phương Tây, thì ở các nước châu Á, đặc biệt là Philippines, làn da trắng vẫn rất được coi trọng.

Làn da đen, mặt nạ trắng

Trong nghiên cứu của Giáo sư Margaret Hunter được công bố trên tạp chí Sociology Compass, ông nói rằng tông da sáng màu được người Philippines coi trọng do họ từng là thuộc địa của châu Âu trong lịch sử.

Hơn ba thế kỷ, người Tây Ban Nha đã đủ thời gian để khắc sâu vào tổ tiên người Philippines rằng họ là công dân hạng hai trong chính đất nước họ.

Khi Tây Ban Nha xâm chiếm Philippines, những tên thực dân đã mang đến tư tưởng về sự phân biệt màu da. Làn da sẫm màu có liên quan đến những người lao động nghèo, những người phải làm việc ngoài trời để kiếm tiền. Còn lại, những người thuộc tầng lớp thượng lưu có làn da sáng hơn vì họ là người Philippines đa chủng tộc, hoặc họ đủ giàu có để không phải làm việc dưới ánh mặt trời gay gắt.

Nói cách khác, chính người Tây Ban Nha đã mang đến cho người Philippines quan niệm văn hóa và màu da tự nhiên của họ thấp kém hơn so với người Tây Ban Nha

Frantz Fanon, tác giả của Da Đen, Mặt Nạ Trắng nói rằng những người sống ở những vùng đất thuộc địa sẽ dễ dàng chấp nhận ngôn ngữ và văn hóa của thực dân đang nắm quyền bởi vì trong tâm hồn họ là nỗi mặc cảm bản thân kém cỏi “được hình thành bởi sự biến mất và chôn vùi của nền văn hóa địa phương độc đáo”.

Ronald Hall cũng cho rằng “hội chứng tẩy trắng da” là kết quả của “sự kế thừa có tính lịch sử của chế độ nô lệ và chủ nghĩa thực dân” đã mở đường họ “cân bằng tông da sáng và các đặc điểm nổi bật thuộc về gương mặt người Anglo.” Đó là lý do vì sao Rizal đề cập đến bà Dona Victorina, người đã dùng quá nhiều bột thoa lên mặt để trông giống người da trắng, trong cuốn tiểu thuyết Noli Me Tangere của mình.

*Người Anglo là một nhóm văn hóa cư ngụ ở Vương quốc Anh từ thế kỷ thứ 5, và là tổ tiên trực tiếp của phần lớn người dân Anh hiện đại. Họ có màu da trắng, dáng cao.

Làm trắng da: mốt nhất thời hay lời nguyền của xã hội?

Một yếu tố khác góp phần cho việc ủng hộ là da trắng ở Philippines là sự toàn cầu hóa. Học giả Koichi Iwabuchi tin rằng các quá trình toàn cầu hóa “không chỉ đơn giản là việc lan rộng sự truyền bá của ‘văn hóa đại chúng toàn cầu’ được Mỹ hóa. Nó cũng đã thúc đẩy dòng chảy văn hóa đại chúng nội địa và phổ biến văn hóa ở Đông Á, Đông Nam Á”.

Điều này có lẽ giải thích tại sao hầu hết người Philippines ngày nay thèm muốn có được làn da trắng hơn, nhưng không muốn giống hệt người da trắng. Nói cách khác, họ đã tự hào về các đặc điểm châu Á của mình và tất cả những gì họ muốn là cải thiện chúng mà thôi.

Tuy nhiên, những gì được coi là đặc điểm lý tưởng nhất ở Châu Á, như là làn da trắng mịn, tóc đen, mắt hình quả hạnh nhân, v.v … cũng bị ảnh hưởng bởi quan niệm phương Tây. Ví dụ, hầu hết những người quảng cáo các sản phẩm làm trắng da ở Philippines là người Châu Á lai.

Trong quyển Shades of Difference: Why Skin Color Matters tác giả Evelyn Glenn cho rằng những người mẫu như thế làm cho phụ nữ Philippines nhận thức về gương mặt Châu Á của mình, đồng thời khao khát có được làn da trắng đó.

Cô nói thêm, những người lai có vẻ ngoài quốc tế, nhưng vẫn được thừa nhận là người Philippines, mặc dù không có sự đe dọa rõ ràng thế nhưng vẻ đẹp ngoại lai vẫn đủ khiến cho những người phụ nữ bình thường có thể nhận ra mối nguy của mình.

Nhìn lại quá trình lịch sử về nỗi ám ảnh của người Philippines với làn da trắng, mọi người chỉ muốn biết liệu quan điểm này đã ăn sâu vào văn hóa của họ đến mức nào mà họ không thể thay đổi được. Mặc dù không có câu trả lời rõ ràng, nhưng một điều chắc chắn mà hiện tượng này đã chứng minh được đó là tư tưởng về cái đẹp của từng nơi có thể khác biệt nhau.

Cùng đọc bài viết Văn hóa Đông Tây tại Philippines.

Call Now

error: Content is protected !!