Trong những câu chuyện về nhảy việc, chúng ta thường bắt gặp hàng loạt lý do “kinh điển”, chẳng hạn như: thay đổi định hướng, tìm một công việc phù hợp hơn, kỳ vọng vào một môi trường có nhiều hứa hẹn về thăng tiến hơn. Tuy nhiên, không thể chối cãi rằng rất nhiều người trong chúng ta nhảy việc vì lý do lương bổng.
Tuy nhiên, khi đưa ra quyết định, bạn đã bao giờ đặt lên bàn cân để xem xét rằng Lương hay Phúc lợi, yếu tố nào quan trọng hơn?
Lương cao hấp dẫn mọi ứng viên
Lương luôn được bảo mật bởi đó là yếu tố nhạy cảm, cá nhân và thể hiện sự đánh giá của nhà tuyển dụng đối với người lao động. Vượt qua hàng loạt cuộc phỏng vấn và cạnh tranh khó khăn, bất cứ ứng viên nào cũng mong muốn thỏa thuận được mức lương cao nhất. Lương cao cũng đồng nghĩa với việc hàng tháng bạn đều có mức thực nhận cao “rót” vào túi.
Có một điều gần như chắc chắn rằng nếu có sự lựa chọn giữa 2 công ty trở lên, các ứng viên sẽ không do dự mà chọn ngay nơi nào trả lương cao hơn. Bởi lẽ có ít nhất 2 suy nghĩ dẫn đến quyết định này: Một là bạn có được thu nhập tốt hơn, Hai là bạn cho rằng nhà tuyển dụng đánh giá bạn cao hơn và sự “hào phóng” của công ty cũng tốt hơn.
Đãi ngộ là điều quan tâm sau cùng?
Và đó chính là thực tế nhìn nhận của rất nhiều lao động hiện nay. Trong quá trình trao đổi với nhà tuyển dụng, chúng ta đôi khi chỉ đề cập đến mức lương mong muốn và quên hỏi kỹ về về các chính sách phúc lợi, đặc biệt là những người mới đi làm. Cũng có đôi khi, chúng ta quan tâm nhưng nếu cần phải đặt lên bàn cân một lần nữa thì vẫn chọn nơi nào trả mức lương cao hơn.
Trước khi bàn đúng – sai, đưa ra quan điểm rằng lương hay phúc lợi quan trọng hơn, chúng ta dừng lại một chút để hiểu kỹ hơn phúc lợi là gì?
Các khoản mà công ty chi trả cho chính chúng ta bao gồm: bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm tai nạn, healthy – care card, thưởng năng suất làm việc, thưởng các dịp Lễ – Tết… và các khoản nhận được ngoài lương trong năm đều được tính là phúc lợi hay đãi ngộ mà công ty dành cho chúng ta. Tuy có sự dao động ở từng nơi nhưng nhìn chung, trung bình mức đãi ngộ này rơi vào khoảng 30% mức lương.
Có lẽ, chính vì mức độ nhận không thường xuyên và kỳ thực là không thể cao như lương nên rất nhiều lao động không dành sự quan tâm đúng mức đối với yếu tố này.
Lương và Đãi ngộ – Chọn cái nào?
Trước hết cần khẳng định rằng điều gì quan trọng hơn phụ thuộc vào từng cá nhân, mong muốn, nguyện vọng và cả nhu cầu của họ. Tuy nhiên trong bài viết, chúng ta sẽ xem xét đến khả năng tác động của từng yếu tố để có cái nhìn bao quát hơn, từ đó có những quyết định lựa chọn công việc đúng đắn hơn.
Lương cao là điều chắc chắn ai cũng mong muốn. Việc bạn nhảy từ công ty này sang công ty khác, trước hết phải đánh đổi bằng việc có mức lương cao hơn. Tuy nhiên, cũng nên lưu ý rằng trong quá trình làm việc, việc tăng lương có thể không được như mong đợi, tăng rất ít hoặc thậm chí là không tăng. Lúc đó, điều gì sẽ giữ chân người lao động?
Đó chính là phúc lợi, đãi ngộ của công ty. Có những nơi mức lương có thể chi trả chỉ ngang ngửa mức trung bình, song đãi ngộ lại vô cùng lý tưởng. Các dịp Lễ luôn thưởng cao, thưởng hiệu suất công việc nhiều, chính sách hỗ trợ chi phí để mua nhà – mua xe tốt, linh động về thời gian nghỉ trong năm, đào tạo miễn phí nhiều chương trình, thậm chí có cả chính sách chăm sóc sức khỏe – học tập cho nhân viên và gia đình… So với lương, tất nhiên phúc lợi không “rót” vào túi nhiều tiền mặt, song những lợi ích của nó trong việc góp phần giảm những áp lực về rủi ro sức khỏe hay cải thiện đời sống vật chất, tinh thần nhân viên là không thể phủ nhận.
Nếu có một so sánh thì có thể thấy, lương là con đường ngắn để thuyết phục một lao động đến làm việc. Nhưng có lẽ, chính phúc lợi mới là con đường dài song hành cũng chúng ta, níu giữ chân chúng ta gắn bó lâu bền cùng công ty. Thực tế hiện nay, có nhiều doanh nghiệp ngoài việc chú trọng mức lương thì còn đẩy mạnh công tác truyền thông về chính sách đãi ngộ để thu hút lao động mới và giữ chân lao động cũ có năng lực. Thâm niên càng cao, những khoản bạn nhận được trong chính sách phúc lợi này càng lớn.
Nhảy việc ít nhiều cũng luôn là một quyết định khó khăn. Từ những quan điểm như trên, chúng ta nên cân nhắc cả 2 yếu tố lương và phúc lợi khi trao đổi cùng nhà tuyển dụng. Lương cao chứng minh năng lực và sự nhìn nhận của công ty đối với bạn. Nhưng chính sách đãi ngộ tốt cũng rất đáng cân nhắc khi bạn nghĩ đến câu chuyện đồng hành lâu dài cùng công ty.
Hãy cùng xem thêm bài viết sau: Dừng việc “nói điêu” khi deal lương