Mối quan hệ nơi công sở: Bạn cùng tiến hay là cái bè tạm bợ

Có một khái niệm vui hay được gọi là “hậu cung công sở”. Đó là những câu chuyện đằng sau công việc thường được để ý, bàn tán. Đó cũng có thể là những hội, nhóm cùng hội cùng thuyền. Và đó cũng có thể là câu chuyện về những mối quan hệ giữa đồng nghiệp với nhau. Vậy ở chốn công sở đầy thị phi kia thì đồng nghiệp được xem là anh em cùng tiến hay chỉ là “cái bè” của nhau.

Công ty đến là để làm việc không phải để giao lưu kết bạn?

Suốt vài năm đi làm, bạn có thể đã từng chứng kiến không ít người xem công ty thực sự chỉ là nơi đi làm không hơn không kém. Họ chăm chú vào công việc, họ ít khi tham gia vào những cuộc vui hay những buổi trà dư tửu hậu giờ tan sở. Mối quan hệ với những đồng nghiệp xung quanh dừng lại ở mức độ giao lưu, chào hỏi, trao đổi công việc, không hề có khái niệm kết thân.

Thực ra quan niệm đồng nghiệp chỉ nên là đồng nghiệp không hề sai. Thử nghĩ xem chúng ta sẽ trải qua bao nhiêu môi trường làm việc khác nhau? Chúng ta rồi sẽ tiếp xúc với hàng chục, hàng trăm người được gọi là đồng nghiệp – những người anh em cùng tiếng. Mỗi người một tính cách, thậm chí mỗi người một toan tính. Trong môi trường công sở nhiều cạnh tranh, nếu quá thân thiện và niềm nở sẽ dễ trở thành người bị đánh giá là bao đồng, nịnh hót. Tệ hơn, nếu quá hòa đồng còn có thể dẫn đến khả năng bị “chơi xấu”. Trong tâm thế đề phòng, việc duy trì mối quan hệ đồng nghiệp chỉ dựa trên công việc thực sự không phải là chuyện lạ và cũng không hề là chuyện xấu.

Việc không quá sa đà vào những mối quan hệ vượt mức đồng nghiệp sẽ khiến chúng ta dễ dàng tập trung cho công việc, tận dụng được tối đa thời gian làm việc tại công ty, không bị cuốn vào những câu chuyện riêng tư không đáng có. Đối với những người đã ở vị trí quản lý, điều này còn khiến bạn giữ được tính chủ quan, không mang tình cảm hay quan hệ yêu – ghét cá nhân làm ảnh hưởng đến hiệu quả công việc.

Khi gặp áp lực công việc có nên xem đồng nghiệp là người để chia sẻ?

Chắc chắn sẽ có nhiều người không đồng tình với cách nhìn như trên. Sao phải quá đề phòng những người mà chúng ta vẫn gặp gỡ, cùng làm việc hơn 8 tiếng/ngày? Sao phải so đo việc họ có hại gì mình hay gây ảnh hưởng không tốt đến công việc? Bởi thực tế, có rất nhiều tình bạn đẹp được xây dựng dựa trên nền tảng là tình đồng nghiệp.

Công việc gặp khó khăn, đồng nghiệp chính là người thấu hiểu rõ nhất. Những vướng mắc tại nơi công sở, cũng chính đồng nghiệp là người có thể nhìn ra vấn đề một cách trực quan và cùng chúng ta tháo gỡ. Quan trọng hơn hết, gặp gỡ nhiều, tiếp xúc nhiều, làm việc cùng nhau nhiều, việc chúng ta trân quý ai hay muốn kết thân cùng ai để chia sẻ nhiều hơn là điều rất dễ hiểu. 

Có một người “anh em” là đồng nghiệp, bạn có thêm một người hiểu mình không chỉ trong cuộc sống hàng ngày mà còn là trong công việc. Khi môi trường công sở đang tạo ra áp lực mỗi ngày thì bỏ qua những thiệt hơn, bỏ qua những toan tính đề phòng, thêm một người bạn là thêm một niềm vui, thêm một nguồn cảm hứng để đi làm mỗi ngày.

Hãy để mọi việc diễn ra tự nhiên

Trung bình mỗi ngày chúng ta dành 8-10 tiếng tại công ty. Cũng rất ít ai chỉ làm duy nhất 1 nơi trong suốt thời gian lao động. Vì thế, ở mỗi nơi chúng ta sẽ lại gặp gỡ với những người khác nhau. Có những đồng nghiệp thực sự chỉ dừng lại ở mức độ công việc. Lại có những người mà ngoài công việc, bạn thật lòng muốn chia sẻ và gắn bó cùng họ như những người bạn. Điều quan trọng nhất chính là đừng gượng ép. Khi mình thật lòng, sẽ lại có người thật lòng. 

Tuy nhiên, cũng nên có sự phân biệt rõ ràng đâu là nơi làm việc, đâu là không gian riêng tư. Không nên để mối quan hệ thân thiết làm ảnh hưởng đến công việc. Không nên lạm dụng sự thân thiết để tạo bè kết phái, tác động lên nhau những suy nghĩ tiêu cực. Bạn nơi công sở ngoài việc sẻ chia còn là động lực, là cảm hứng tích cực giúp nhau vượt qua những trở ngại trong công việc, đúng không nào?

Bài viết tham khảo: Lối sống “an toàn” chốn công sở

Call Now