Khi tuyển dụng, một trong những chân lý luôn cần ghi nhớ là “Không có ai là hoàn hảo cả”. Bạn không tìm người hoàn hảo, mà tìm một người phù hợp. Và sự phù hợp đó thường được phân định dựa trên kĩ năng cứng và các tính cách đặc trưng của ứng viên.
Tuy nhiên, phần lớn những gì ứng viên thể hiện trong quá trình tuyển dụng chỉ là bề nổi. Khi bắt đầu thực sự làm việc, tương tác với đồng nghiệp hay đặt vào những tình huống căng thẳng, họ sẽ bộc lộ những tính cách “ẩn”, thường là những tính cách khá tiêu cực. VietnamWorks HR Insider xin giới thiệu 10 mặt trái của những ứng viên “tốt” sau đây để giúp các nhà tuyển dụng nhìn rõ những tính cách “ẩn” của họ một cách dễ dàng hơn trước khi quyết định tuyển dụng.
Danh Mục
“Thẩm Phán”
Mặt tốt của những người có tính cách “Thẩm Phán” là họ có óc nhận thức tinh tế và có tinh thần trách nhiệm cao. Tuy nhiên, vì luôn nhận thức những điểm sai trái, nên trong những trường hợp căng thẳng, họ luôn tìm cách “bới lông tìm vết”, chú trọng vào những điểm tiêu cực ở đồng nghiệp, ở các tình huống và ở cả chính bản thân họ, gây ảnh hưởng đến không khí làm việc chung.
Đặc điểm để nhận ra loại tính cách này là họ thường cho rằng nếu họ không chỉ ra điểm sai trong công việc (của mình hay của người khác) thì mọi việc sẽ chẳng bao giờ có thể cải thiện được. Để xem những người này có thể hiện tính cách của họ quá tiêu cực không, hãy hỏi về những việc họ đã làm trong quá khứ để cải thiện công việc, và lắng nghe cách họ miêu tả về tình huống. Nếu câu chuyện của họ đầy sự giận dữ và tiêu cực, nhiều khả năng họ đã để “mặt trái” tính cách của mình lấn át.
“Kiểm Soát”
Những người có tính cách “Kiểm Soát” rất tự tin và chủ động tạo ra những sáng kiến trong công việc. Tuy nhiên, họ có xu hướng thích kiểm soát và lấn át người khác. Đối với họ, đặt tất cả vào một vòng kiểm soát chặt chẽ sẽ luôn đảm bảo kết quả công việc tốt nhất.
Để đánh giá loại người này chính xác, hãy hỏi họ cách quản lý chất lượng sản phẩm. Nếu họ luôn miệng nói về việc mọi người phải tuân theo chỉ thị của mình, hoặc mọi thứ đều phải thông qua họ, nghĩa là họ đang có “nguy cơ” rơi vào nhóm tiêu cực của tính cách “Kiểm Soát”.
“Cầu Toàn”
Người “Cầu Toàn” có lợi thế về khả năng tổ chức và chú trọng chi tiết. Mặt trái của tính cách này là đôi lúc họ sẽ luôn yêu cầu mọi thứ phải theo quy trình, trật tự và phải được hoàn thành một cách hoàn hảo nhất có thể. Điều này sẽ gây phiền toái cho các tính cách khác trong công ty, đặc biệt là những người sáng tạo.
Để biết được liệu một người có “cầu toàn” quá mức hay không, hãy thử hỏi họ: “Khi có một sai lầm xảy ra, làm thế nào để xác định trách nhiệm là của ai?”. Nếu họ nói rằng sai lầm do một cá nhân nào đó không đưa cấp trên duyệt trước công việc, và giải thích quy trình một cách rất dài dòng, thì hãy cẩn thận, người đó có thể là một người “cầu toàn” đáng sợ.
“Né Tránh”
Đây không phải là tính cách xấu, vì người thuộc loại tính cách này vẫn có lợi thế về khả năng nhận thức giá trị công việc và sự lạc quan, tích cực trong nhiều tình huống. Tuy nhiên, khi gặp những vấn đề khó khăn, phức tạp hay một sự xung đột nào đó, họ thường né tránh. Năng suất làm việc của loại tính cách này cũng không cao lắm.
Hãy đưa ra cho họ một tình huống đòi hỏi phải giải quyết xung đột, và chú ý giải pháp mà họ đưa ra. Nếu họ đưa ra một giải pháp kiểu “đi đường vòng” hoặc nhờ cậy nhiều sự giúp sức của người khác, thì họ thuộc nhóm tính cách “Né Tránh”.
“Hiếu Động”
Người “Hiếu Động” rất linh động và có thể đương đầu với rủi ro cao. Tuy nhiên, họ lại hiếm khi hài lòng với công việc hiện tại mà luôn muốn tìm điều gì khác để làm. Điều này dẫn đến việc họ có thể làm nhiều việc, nhưng một cách hời hợt, mỗi việc chẳng đi đến đâu.
Nhìn vào lịch sử làm việc của họ rất dễ thấy: họ là những người chuyển việc nhiều, có khi mỗi công việc chỉ làm vài 3 tháng. Họ cũng là những người thiếu tính kiên nhẫn. Chỉ cần nói chuyện một vài phút trong lúc phỏng vấn là có thể nhận ra được, hoặc cũng có thể làm “stress test” để thử độ kiên nhẫn của họ.
“Làm Vui Lòng”
Người thuộc loại tính cách này rất quan tâm đến người khác và dễ đồng cảm. Tuy nhiên, khi bị đẩy đến cùng cực, họ sẽ cố gắng làm vui lòng mọi người, hoặc giúp đỡ mọi người chỉ để được đồng nghiệp yêu thích. Một trong những lời nói dối điển hình của nhóm người này là “Tôi chỉ muốn giúp đỡ chứ không đòi hỏi mọi người đền đáp”.
Đối với loại người này, hãy sử dụng “stress test” và đặt họ vào tình huống phải lựa chọn giữa lợi ích của bản thân và lợi ích của đồng nghiệp. Nếu họ không lựa chọn dứt khoát và giải thích về việc không muốn làm mất lòng đồng nghiệp thì nhiều khả năng họ sẽ rơi vào nhóm tính cách này.
“Nạn Nhân”
Người thuộc dạng tính cách này có nhận thức rất sâu sắc về cảm xúc của bản thân. Họ luôn biết tình huống nào sẽ có tác động thế nào với cảm xúc của mình. Tuy nhiên, khi gặp căng thẳng, họ có xu hướng suy nghĩ nhiều về những cảm xúc tuyệt vọng, đau khổ, khiến cho mọi người xung quanh đều áy náy.
Khi nghi vấn ứng viên thuộc nhóm tính cách này, hãy đào sâu thêm tâm lý của họ bằng các câu hỏi về cảm xúc, ví dụ như họ cảm thấy thế nào khi bị đồng nghiệp vượt qua trong sự nghiệp, hay bị sếp khiển trách. Nếu họ liên tục kể về cảm xúc của mình, đó cũng là một biểu hiện của người có tính cách “Nạn Nhân”.
“Siêu Lý Trí”
Đúng như tên gọi, nhóm tính cách “Siêu Lý Trí” thường có khả năng suy nghĩ logic và khách quan rất tốt. Tuy nhiên, điểm bất lợi là họ thường dùng suy nghĩ logic, đúng – sai cho tất cả mọi tình huống trong công việc, nhất là những tình huống cần sự “mềm dẻo”, cần dùng đến “quyền lực mềm” thay cho lý trí cứng rắn.
Thế giới đối với nhóm người này rất đơn giản, trắng – đen rõ ràng. Khi phỏng vấn, hãy đưa ra một tình huống phức tạp để họ phân tích đúng – sai. Nếu câu trả lời của họ dừng ở mức: A đúng, B sai, mặc dù bạn đã cố gắng hỏi để đào sâu thêm cho một câu trả lời tinh tế hơn, nghĩa là họ thuộc tuýp người nghiêng nhiều về lý trí.
“Siêu Cảnh Giác”
Nhóm người “Siêu Cảnh Giác” hoàn toàn rất đáng tin tưởng do sự cẩn trọng của họ trong công việc. Tuy nhiên, họ cũng dễ rơi vào cái bẫy tâm lý khi lúc nào cũng lo sợ quá đáng về những rủi ro, và suy nghi quá nhiều khi đưa ra một quyết định nào đó, dù là quyết định nhỏ.
Khi được hỏi về những vấn đề đơn giản như “Bạn sẽ làm gì nếu sếp muốn bạn chuyển chỗ ngồi sang một đồng nghiệp rất thân thiết với bạn”, những người “Siêu Cảnh Giác” sẽ khá do dự và đưa ra nhiều viễn cảnh không mấy tươi sáng, dù sự việc thực chất chẳng có gì đáng lo.
“Siêu Năng Nổ”
Những người thuộc nhóm “Siêu Năng Nổ” có thể trở thành những nhân tố sáng giá nhất trong công ty vì họ có xu hướng chú trọng thành tích và đạt được mục tiêu đề ra. Tuy nhiên, không phải lúc nào tính cách này cũng phát huy được thế mạnh. Trong một số trường hợp, người “Siêu Năng Nổ” sẽ cố gắng đạt được thành tích và mục tiêu của mình và bất chất tất cả: các mối quan hệ, sự cân bằng công việc – cuộc sống, bất chấp cả những viễn cảnh chung của công ty để đạt được thành công ngắn hạn của mình.
Nhóm người này có sự đối xứng với nhóm người “Làm Vui Lòng”. Nếu như bị đặt vào tình huống phải lựa chọn giữa thành công của bản thân và hòa khí với đồng nghiệp, nhiều khả năng họ sẽ chọn thành công của bản thân mà không đưa ra giải pháp nào để cải thiện hòa khí với đồng nghiệp. Ngoài ra, nhà tuyển dụng cũng có thể hỏi thêm về các thành công của họ xem nó có đóng góp nhiều đến thành công dài hạn của công ty không. Nếu các thành tích của họ chỉ là ngắn hạn và không thể lặp lại hoặc cải thiện trong các năm sau, đó chính là nhóm người “Siêu Năng Nổ” nhưng không có tầm nhìn xa, rất có hại cho doanh nghiệp.
Mỗi người đều có thể có nhiều tính cách trong số 10 tính cách trên, và tùy vào môi trường làm việc, mức độ áp lực cũng như cung cách quản lý mà họ có thể biểu hiện các tính cách trên ở mức tích cực, vừa đủ hay là ở mức cực đoan, tiêu cực. Nắm bắt được các tính cách này ở ứng viên mới có thể giúp nhà tuyển dụng đặt họ vào vị trí phù hợp để phát huy điểm mạnh của họ.
Bài viết tương tự: Các nhóm tính cách và nghề nghiệp theo sau (Phần 1)