Nên thiết kế CV hay Portfolio

Đã bao nhiêu lần CV của bạn bị nhà tuyển dụng từ chối ngay từ vòng gửi xe rồi? Có phải bạn bè thuận lợi hơn trong sự nghiệp của họ vì sử dụng Portfolio bắt mắt? Và liệu tiêu chí của nhà tuyển dụng là gì trong vòng xem xét hồ sơ ứng viên? Cùng HR Insider tìm hiểu sự khác biệt giữa CV và Portfolio để tìm ra đâu là sự lựa chọn phù hợp dành cho bạn trên hành trình tìm kiếm công việc mơ ước nhé!

CV và Portfolio vẫn thường được ví von là thứ “vũ khí” không thể thiếu của bất cứ người tìm việc nào. Vì chúng ta chẳng thể nào mang tay không đi đánh trận mà đòi chiến thắng “đối thủ” được. Nhưng nếu mang theo một thứ “vũ khí” cùn hoặc không biết cách thức sử dụng nó thì còn nguy hiểm hơn rất nhiều. Vậy làm sao để chuẩn bị cho mình một hồ sơ năng lực ấn tượng và thu hút nhà tuyển dụng? Và đâu là tiêu chí lựa chọn của nhà tuyển dụng để đi tiếp vòng phỏng vấn khi nhìn vào một chiếc CV hay Portfolio? Nhưng liệu chỉ 2 – 3 trang A4 có đủ để thể hiện hết khả năng cũng như tính cách của bạn không?

CV

CV là một khái niệm đã quá đỗi quen thuộc với người đi làm, đặc biệt là với những bạn thích “bay nhảy”. Nhưng quen thuộc không có nghĩa là chúng ta hiểu đúng và biết cách sử dụng tối ưu nó. Rất nhiều bạn hiện nay vẫn sử dụng CV nhưng một bản sơ yếu lý lịch dài dòng khiến nhà tuyển dụng chán nản và đánh giá thấp.

Nếu đã chọn CV làm phương tiện để giao tiếp với nhà tuyển dụng, bạn cần phải hiểu rõ rằng CV chính là bản tóm tắt ngắn nhưng chi tiết về cá nhân cũng như hành trình phát triển năng lực của bạn. CV càng rõ ràng, chi tiết thì nhà tuyển dụng sẽ càng ấn tượng.

Vậy bạn nên “khoe khoang” những gì về bản thân trong 2 – 4 trang A4 này? Thông thường, các biểu mẫu trên mạng sẽ đề xuất chúng ta các hạng mục gồm: quá trình học tập, làm việc, thành tích đạt được theo trình tự thời gian. Nhưng như vậy là chưa đủ. Vì sẽ chẳng ai hứng thú hay quan tâm đọc những cột mốc trong cuộc đời của bạn. Hãy sử dụng CV để thể hiện con người của mình, cá tính thật sự của mình.

Ngoài các thông tin cá nhân cơ bản, bạn hãy chia sẻ thêm một ít về sở thích, phong cách sống của mình. Và sẽ là một điểm cộng cực lớn nếu bạn chia sẻ thêm về câu chuyện, quan điểm cá nhân của mình trước những cột mốc trong cuộc đời. Vì qua đó, nhà tuyển dụng sẽ hứng thú cũng như hiểu hơn về hành trình phát triển của bạn. Nhưng nhớ là hãy chọn lọc câu chuyện của mình và đừng quá dài dòng nhé!

Portfolio 

Portfolio là một khái niệm khá phổ biến trong các lĩnh vực liên quan đến quảng cáo, truyền thông và nghệ thuật, thiết kế. Portfolio còn được ví như một “bảo tàng” di động, giúp người tìm việc có thể thoải mái “khoe khoang” nhiều hơn với nhà tuyển dụng về khả năng của bản thân. Những thành tựu, cột mốc trong hành trình phát triển năng lực lúc này không còn được mô tả dưới dạng câu chữ nữa mà được chuyển thành hình ảnh hoặc video ngắn. Đây cũng là lý do khiến Portfolio có phần rực rỡ hơn so với CV.

Và nếu CV tập trung vào yếu tố con người, thì trọng tâm của Portfolio lại là sản phẩm do con người tạo ra. Có nghĩa là thứ bạn thể hiện nhiều nhất qua Portfolio phải là các công trình, sản phẩm bạn đã từng thực hiện, càng chi tiết càng tốt.

Nhưng cũng giống như CV, Portfolio cần phải thể hiện được câu chuyện của chủ nhân nó, nếu không thì cũng chẳng có nhà tuyển dụng nào bị thu hút. Vì thế, ngoài trình bày kinh nghiệm phong phú, Portfolio cần phải lồng ghép được hình ảnh để thể hiện sở thích, phong cách sống cũng như những góc nhìn cá nhân trên hành trình phát triển năng lực.

Chọn CV hay Portfolio?

Vì tính chất khác nhau mà CV rõ ràng, ngay ngắn trở thành ưu tiên hàng đầu trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, kế toán, nhân sự,… Và Portfolio rực rỡ trở thành “vũ khí” không thể thiếu của dân làm quảng cáo, truyền thông và thiết kế.

Nhưng đừng vì sự lựa chọn của đám đông mà ảnh hưởng đến quyết định của bạn. Chỉ bạn mới là người hiểu rõ nhất đâu là thứ “vũ khí” mình cần để mang ra chiến trận. Nếu có năng khiếu kể chuyện bằng ngôn ngữ, hãy chọn CV. Nhưng nếu bạn yêu thích vẽ vời, hình ảnh thì đừng ngại thử sức với Portfolio. Hoặc thậm chí, bạn có thể kết hợp cả hai cái trên để tạo ra bộ hồ sơ năng lực của riêng mình.

Vì chẳng có một định nghĩa nào để một ứng viên kế toàn, tài chính,… không thể dùng hình ảnh thể hiện sự chỉn chu, tỉ mỉ của mình với những con số. Và cũng chẳng ai buộc một ứng viên ngành thiết kế không thể dùng từ ngữ sáng tạo để miêu tả các tác phẩm của mình.

Bài viết cùng nội dung: Những kỹ năng cần thiết trong CV

Call Now

error: Content is protected !!