Có những lúc trong công việc, bạn nên giữ im lặng và tránh các cuộc tranh cãi hoặc đối đầu. Tuy nhiên có những lúc khác, việc giữ im lặng có thể là điều dễ dàng để làm nhưng không phải là điều đúng đắn. Bạn có thể rơi vào các tình huống đòi hỏi bạn phải lên tiếng vì lợi ích của công ty, bản thân hoặc các đồng nghiệp khác.
Danh Mục
Tại các buổi brainstorming
Trong các cuộc thảo luận liên quan đến tài chính, đào tạo nhân viên, quy tắc và chính sách của công ty hoặc các buổi họp nhóm, bạn cần nói thay vì giữ im lặng. Cho dù vì lí do là tính cách nhút nhát, không tự tin vào bản thân hoặc thích lắng nghe thay vì đóng góp, thì việc im lặng của bạn sẽ chỉ được xem là một điều tiêu cực. Bạn sẽ được coi là một người không có ý tưởng hoặc thờ ơ với các nhiệm vụ. Để chống lại điều này, hãy lên tiếng sớm, lý tưởng nhất là trong vài phút đầu tiên. Đây là một cách tuyệt vời để đảm bảo bạn phá vỡ được sự im lặng và tăng sự tự tin cho bản thân.
Khi chưa nắm rõ nhiệm vụ
Khi được giao rất nhiều nhiệm vụ để thực hiện, rõ ràng là bạn có thể nhầm lẫn và thậm chí là không hiểu rõ một số công việc. Tại thời điểm đó, hãy lên tiếng và đừng ngại hỏi lại. Cấp trên của bạn sẽ đánh giá cao khi bạn đang đảm bảo rằng mình sẽ đi đúng hướng. Tất nhiên, có một cảnh báo: đừng liên tục hỏi cùng một vấn đề. Làm rõ các nhiệm vụ là một chuyện nhưng nếu bạn đang lặp lại cùng một thắc mắc nhiều lần, có thể bạn đang làm người khác khó chịu và đánh giá thấp về bạn.
Khi cảm thấy có điều không đúng
Chẳng hạn, nếu bạn đang làm kế toán và thấy có một vài con số không chính xác, đừng đợi cho đến khi báo cáo tài chính đã được in trên giấy hoặc gửi đến cấp cao hơn. Hãy lên tiếng ngay khi lần đầu tiên bạn nhận thấy sai lầm. Nếu bạn đang làm công việc marketing, đừng im lặng khi thấy có điều không hợp lý trong các quảng cáo… Những sai lầm này có thể phải trả một cái giá khá đắt. Im lặng có thể là một điều dễ dàng thực hiện hơn là làm cho mọi thứ rối tung lên. Thế nhưng, hãy dũng cảm, lên tiếng và làm điều đúng đắn.
Khi bị đánh cắp ý tưởng
Điều này vẫn thường xảy ra trong các doanh nghiệp trên toàn thế giới. Bạn có một ý tưởng tuyệt vời, bạn chia sẻ với đồng nghiệp và điều tiếp theo bạn biết là họ cho rằng đó là công sức của họ. Trong trường hợp này, lên tiếng là điều cần thiết. Bạn không thể ngồi đó mà than vãn và phàn nàn. Ngược lại, hãy tiếp cận người giám sát của bạn, cho họ thấy công việc bạn đã làm trước đó và bình tĩnh thảo luận về sự thật đây là ý tưởng của bạn. Trước đó, bạn cũng có thể nói chuyện với người đã “đạo” ý tưởng bởi đôi khi họ có thể không nhận thức được rằng họ đang phạm sai lầm. Trong những trường hợp hiếm hoi, bạn có thể giữ được mối quan hệ tốt với họ. Nhưng cho dù thế nào, hãy lấy lại những gì thuộc về bạn.
Khi có tin thất thiệt về bạn
Phải mất nhiều năm để tạo ra một hình ảnh tốt, nhưng điều đó có thể bị hủy chỉ trong vài mili giây. Các tin đồn là điều hoàn toàn bình thường nhưng khi nó trở nên “độc hại”, bạn cần phải lên tiếng. Bạn có thể dừng các tin đồn tiêu cực ngay lập tức khi nghe thấy hoặc có thể trình bày mối quan tâm của mình lên cấp trên để nhờ họ giải quyết vấn đề. Tin đồn có thể có sức phá hoại rất lớn và cần phải được ngăn chặn.
Bạn sẽ được đánh giá là chủ động, tạo được ảnh hưởng tích cực và có được sự tôn trọng nhiều hơn khi “lên tiếng” đúng cách. Việc nói lên cũng giúp làm giảm căng thẳng tinh thần gây ra do cảm giác bất lực với các vấn đề trong công việc. Do đó, hãy “lên tiếng” bất cứ khi nào bạn cảm thấy cần thiết. Sẽ không có ai nói thay cho bạn, hãy tự mình nói lên và đưa bản thân ra khỏi các rắc rối gặp phải.
Bài viết tham khảo: 4 bước giúp bạn giải quyết mâu thuẫn tại công sở