Giữa lúc nền kinh tế đang trong thời kỳ khó khăn nhưng vẫn còn không ít bạn trẻ trong kiểu “kén cá chọn canh” khi đi làm. Tuy rằng, các bạn trẻ tuổi và luôn năng động trong công việc nhưng “nhảy cóc” thường xuyên sẽ là một dấu ấn không tốt đối với nhà tuyển dụng và kể cả bản thân người xin việc.
Trọng hình thức, chuộng bề ngoài
Bạn tốt nghiệp trường ĐHKHXH&NV tại TP.HCM. Với bằng tốt nghiệp loại ưu và sự năng nổ của thế hệ 9X, bạn muốn xin làm ở những công ty lớn, có tên tuổi. Lúc mới ra trường, bạn may mắn được vào làm tại một tập đoàn lớn chuyên kinh doanh bất động sản. Làm chưa được 1 năm, bạn cảm thấy chán nản vì công ty nằm ở một quận xa trung thành phố – Quận Bình Chánh trong khi các bạn của bạn đều làm ở Q.3, Q.1 hay Bình Thạnh. Hiệu quả công việc mà bạn mang lại khiến ban lãnh đạo hết sức hài lòng và chú ý để cất nhấc lên chức vị cao hơn thì bạn viết đơn xin thôi việc và chuyển sang một công ty khác ở Q.1. Điều này làm bạn thỏa mãn và hài lòng nhưng công ty thì luyến tiếc một nhân tài…
Trong trường hợp khác – dù là nhân viên mới làm được 03 tháng nhưng bạn đã mang về cho công ty rất nhiều hợp đồng quảng cáo, được giám đốc chú ý và đề cao tài năng. Song chẳng được bao lâu, bạn xin nghỉ để tìm đến một công ty sang trọng hơn và bế thế vì… cơ sở vật chất ở công ty thiếu thốn, không tiện nghi như các công ty khác. Do công ty mới xây dựng và trong quá trình hoàn thiện để phát triển nên còn gặp nhiều khó khăn chưa thể trang bị cơ sở vật chất tốt như các công ty khác, song vẫn đảm bảo đầy đủ ở mức có thể nhất để nhân viên làm việc. Tuy nhiên, đối với bạn, như vậy vẫn chưa đúng tầm và đúng với năng suất làm việc của bạn.
Qua 2 trường hợp trên, bạn có thể thấy rằng đây là thực trạng hiện tại của những bạn mới ra trường. Điều này làm ảnh hưởng đến con đường sự nghiệp sau này của các bạn rất nhiều.
Đứng núi này trông núi nọ
Linh – cô sinh viên ngành truyền thông, vốn năng nổ và hoạt bát làm cho công ty được 3 tháng thì cô được bạn bè mách nước có một công ty truyền thông kia lương cao, chế độ đãi ngộ tốt… thế là Linh nộp đơn xin vào đó. Với suy nghĩ: mới ra trường nên nếu có cơ hội tốt thì cố gắng tận dụng để học hỏi được nhiều kinh nghiệm, được cọ xát với thực tế nhiều hơn; mặt khác, mức lương cũng nâng lên mức khá hơn. Cứ thế, trong 2 năm Linh đã chuyển 3 công ty. Linh chia sẻ, mỗi lần nhìn bạn bè có cuộc sống sung túc hơn chút là cô bắt đầu nghĩ đến tìm việc khác…
Riêng Trang – một sinh viên từng du học nước ngoài về, cô kén chọn công ty kể cả mức lương. Nếu công ty đúng chuyên ngành đã học thì mức lương không thỏa đáng với những năm bõ công sức và tiền bạc đi học nơi xứ người. Ngược lại, không đúng ngành học nhưng áp lực cao khiến Trang cũng chuyển dời việc nhiều lần. Trang cho biết, cô có rất nhiều kế hoạch và dự định trong cuộc sống của mình nên dù đang đi làm, nhưng thỉnh thoảng cô vẫn lên các trang mạng tìm việc để xem có việc nào khác tốt hơn, xứng đáng với những gì cô đã du học về.
Nhà tuyển dụng nói gì?
Một đơn vị tuyển dụng cho biết, các bạn trẻ ngày nay rất đa tài, có thể tự học, sáng tạo và khả năng làm việc cực kỳ tốt. Tuy nhiên, các bạn vẫn không lường được sự khắt khe và đào thải của nhà tuyển dụng. Dù bạn có tài năng xuất chúng đi nữa, nhưng nhìn vào CV của bạn chuyển việc nhiều quá khiến người ta không tin tưởng, lo ngại bạn sẽ không gắn bó dài lâu và lại “nhảy cóc” như những lần trước. Bên cạnh đó, có một số bạn có chuyên môn rất giỏi nhưng các kỹ năng mềm không có hoặc quá kém nên không đảm bảo yêu cầu công việc công ty đặt ra, hay mức lương đề nghị không tương xứng… nên cũng không được chọn lựa. Có thể công ty tuyển bạn vào để đào tạo cũng được, nhưng đào tạo xong bạn lại có thiên hướng ra đi nên công ty không chọn lựa.
Trong thời buổi hiện giờ, các công ty đều hạn chế mức chi phí, các hình thức thu – chi được tính toán kỹ càng hơn. Vì vậy, khi tuyển dụng nhân sự người ta cũng cần những người có tài và có tâm với công ty chứ không thể tuyển dụng một cách đại trà nữa.
Đi làm và muốn gắn bó lâu dài với công ty, ngoài việc biết được khả năng của chính bản thân, bạn trẻ cần biết điều mong muốn của nhà tuyển dụng để vừa tạo được bề dày kinh nghiệm vừa thể hiện lòng nhiệt thành với nghề để có một nền tảng vững chắc trong công việc.
Chuyển việc để có cơ hội tốt hơn là điều được các bạn trẻ “áp dụng”. Tuy nhiên, bạn trẻ cần cân nhắc kỹ càng, bởi sự kiên trì, nhẫn nại cũng như sự thể hiện năng lực của chính bản thân sẽ tạo được sự tin cậy, đề bạt và cất nhắc lên vị trí cao hơn từ người quản lý. Khi đó, bạn cũng sẽ có được những gì bạn mong muốn.
Đọc thêm bài viết: Đề phòng “bẫy” khi tìm việc