Với một lượng lớn người lao động gia nhập vào thị trường trong khi nhu cầu tuyển dụng giảm mạnh vì COVID-19, thị trường việc làm đang cạnh tranh hơn bao giờ hết.
Hàng triệu người đã mất việc do COVID-19 tại Việt Nam. Theo một khảo sá gần đây của trang việc làm Vietnamworks, đã có 40% người lao động bị mất việc làm sau dịch bệnh. Là một trong số những người bị cắt giảm, liệu họ có bị “giảm giá trị” khi đi tìm công việc mới?
Hơn nữa, để các doanh nghiệp có thể phục hồi kinh doanh, sản xuất, có thể mất đến nhiều tháng. Trong khoảng thời gian 4-6 tháng nếu bạn vẫn thất nghiệp, điều đó có khiến các nhà tuyển dụng đánh giá thấp hay không?
Đó là một trong những vô vàn băn khoăn của người đi làm khi đi tìm việc hậu COVID-19 được các giám đốc nhân sự – cũng chính là các nhà tuyển dụng chia sẻ với các bạn trẻ tại diễn đàn trực tuyến Drama công sở do mạng việc làm Vietnamworks tổ chức.
Các nhà tuyển dụng đều chung quan điểm rằng việc mất việc làm trong dịch COVID-19 “tất nhiên tạo ra một vết gợn” ở họ đối với ứng viên.
“Mặc dù dịch bệnh tạo ra khó khăn khiến doanh nghiệp phải cắt giảm nhân sự, nhưng chúng tôi sẽ đặt câu hỏi tại sao người được chọn cắt giảm là bạn, còn những người khác vẫn ở lại? Hiệu quả làm việc của bạn có vấn đề gì sao? Mối quan hệ với mọi người xung quanh như thế nào mà dẫn đến kết quả này?” Ông Nguyễn Thành Hưng – giám đốc nhân sự của Acecook Việt Nam – bày tỏ quan điểm.
“Nếu công ty bị giải thể, ai cũng nghỉ thì không có gì để nói. Nếu bạn là người bị cắt giảm do công ty thu hẹp thì có thể người được chọn ở lại họ đáp ứng được những yêu cầu của “trạng thái bình thường mới”, còn bạn thì không”, ông Tăng Gia Hải Lam – giám đốc điều hành Buzzmetrics – cũng có cùng quan điểm.
Nhưng ông Lam cho rằng ứng viên hoàn toàn có thể “đánh bay” vết gợn đó bằng cách thể hiện rằng họ đã có sự chuẩn bị, có sự thay đổi để không bị chọn nếu xảy ra tình huống dịch bệnh COVID-19 lần nữa.
“Bạn có biết trạng thái bình thường mới trong lĩnh vực của bạn là gì chưa? Bạn đã đáp ứng được cái mới đó bằng cách nào chưa? Thị trường lao động nhiều lắm, mất việc nhiều lắm. Nhiều người giỏi mất việc vì công ty giải thể. Hãy cho tôi biết lý do tôi chọn bạn trong trạng thái bình thường mới. Bạn phải thuyết phục tôi là bạn đã cải thiện, nâng cấp để có sự thích ứng để nếu câu chuyện lặp lại, bạn sẽ không phải người bị loại lần nữa”, ông Lam chia sẻ.
Ông Lam cho rằng trong trạng thái bình thường mới, bản thân người lao động phải xác định cái mới cho họ là cái gì.
“Với Buzzmetrics, một công ty công nghệ, chúng tôi yêu cầu nhân viên có nhiều kiến thức hơn về dữ liệu, về ứng dụng dữ liệu vào marketing. Nếu trước đây chỉ cần thao tác đúng, giờ chúng tôi sẽ ưu tiên chọn người có kiến thức, kỹ năng tốt hơn về digital, dữ liệu…”, ông Lam nói thêm
Ông cũng cho rằng ông cũng sẽ không ngần ngại phá khung lương để chọn người giỏi vào team mình. “Nhưng nếu không tìm được người giỏi hơn, chỉ có người có kỹ năng tương đương, chúng tôi sẽ không sẵn sàng trả mức lương bằng với lúc trước, vì người như thế đó chúng tôi có, mùa này nhân tài nhiều”, ông chia sẻ.
Theo kết quả khảo sát trên 3.500 người lao động và hơn 400 doanh nghiệp của Vietnamworks mới công bố, 30,5% các doanh nghiệp đã phải cắt giảm nhân sự, trong đó có tới 10,8% các doanh nghiệp đã phải thực hiện cả cắt giảm nhân sự lẫn lương, phúc lợi của người lao động.
Đồng thời có đến 70% số người được khảo sát trả lời đang bị ảnh hưởng về thu nhập hoặc mất việc, trong đó 39,6% người lao động đã mất việc và chỉ 1,1% trong số họ đã có công việc toàn thời gian trở lại.
Bài viết có thể bạn quan tâm: Covid-19 làm hơn 1/6 thế giới thất nghiệp