Khi nào nên làm mới CV? Theo các chuyên gia, đây là 3 thời điểm thích hợp nhất để bạn cập nhật CV, dù lúc đó bạn có mong muốn thay đổi việc mới hay không.
Với sinh viên đang tìm kiếm thực tập hay công việc đầu tiên
Hãy làm mới CV mỗi học kỳ. Nếu bạn đang làm công việc thời vụ, hãy làm mới CV vài lần một năm. Bởi nếu không, bạn sẽ quên những gì bạn đã làm trong 10 hay 11 tháng vừa qua.
Sau mỗi dự án, hãy cập nhật CV ngay khi bạn vừa hoàn thành, điều này sẽ giúp CV bạn chi tiết hơn và bạn sẽ dễ dàng mô tả những gì bạn đã học được hay thành tựu của bạn trong dự án đó.
Trong quá trình làm việc, nếu bạn có một thành tích hay học được một kỹ năng mới và bạn nghĩ sẽ cập nhật chúng trong CV, hãy làm ngay. Bạn sẽ dễ dàng mô tả thành tích của mình và bạn đã làm nên thành tích đó như thế nào.
Với người đang thất nghiệp hoặc không đi làm trong một quãng thời gian dài
Hãy tìm một khóa học kỹ năng, khóa học ngôn ngữ, công việc tình nguyện, việc làm bán thời gian hay việc làm thời vụ… cho mình. Tốt nhất là một công việc liên quan đến mảng làm việc của bạn. Ví dụ bạn đang làm IT và không tìm được việc làm toàn thời gian cho mình, bạn có thể làm gia sư dạy kèm môn tin học, hoặc làm giáo viên dạy tin học trong các trường bổ túc hoặc tham gia các tổ chức phi lợi nhuận với các dự án về công nghệ và khoa học… Và cập nhật những thông tin này vào CV của bạn ngay khi bạn hoàn thành khóa học, hoặc khi bạn bắt đầu các công việc tình nguyện hay thời vụ của mình.
Với những công việc hoặc vị trí bạn đã nộp hồ sơ trước đó mà không nhận được nhà tuyển dụng hồi âm hay phỏng vấn không thành công, hãy gửi CV cập nhật của bạn lại cho nhà tuyển dụng sau 3 tháng và thông báo bạn muốn cập nhật thông tin. Điều này không hề dư thừa, nếu họ không có nhu cầu tuyển dụng, họ sẽ lưu lại hồ sơ của bạn để khi công ty họ có nhu cầu tuyển dụng vị trí thích hợp với kỹ năng và kinh nghiệm của bạn, bạn sẽ là ứng viên đầu tiên họ nhớ tới và sẽ mời bạn phỏng vấn cho vị trí đó.
Với người đang đi làm và chưa có ý định chuyển việc
Hãy cập nhật các dự án và thành tích của bạn vào CV mỗi khi bạn hoàn thành. Dùng các dấu đầu dòng (bullet point) để liệt kê từng dự án. Mỗi từng quý (3 tháng) bạn hãy cập nhật thêm thành tích cho mình và quyết định xem nên bỏ bớt dự án nào, giữ dự án nào trong CV.
Cố gắng kết nối những thành tích đó thành một chuỗi theo thứ tự thời gian. Thêm vào các ấn phẩm, bài thuyết trình… nổi bật mà bạn đã hoàn thành.
Với các dự án mà bạn tâm đắc nhất, hãy làm portfolio cho chúng, chỉ rõ các thành tích đã đạt được, kỹ năng bạn đã học được hay vai trò của bạn trong dự án đó.
Xem thêm bài viết: 5 lưu ý khi viết CV xin việc bằng tiếng anh